03/11/2022

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 16/11/2017 của Tỉnh ủy Kiên Giang về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến thông qua báo cáo kết quả kiểm tra với ban thường vụ 4 huyện, thành ủy: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Hải, Kiên Lương  Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa trên 133 văn bản thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch được chú trọng; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của ngành du lịch được quan tâm đầu tư; năng lực vận tải đến các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh tiếp tục được tăng cường; đa dạng hoá các sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch. Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được chú trọng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch từng bước được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích văn hóa - lịch sử được quan tâm đầu tư.

Vị trí, vai trò của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, tỷ trọng ngành du lịch chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2016 đến tháng 8/2022, đã đón trên 41,7 triệu lượt khách, trong đó trên 2,3 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 73 ngàn tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển nhanh về số lượng, đáp ứng khá tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch trong nước và quốc tế, tập trung tại các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh, như: Thành phố Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên. Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 887 cơ sở lưu trú với 31.438 phòng, trong đó hạng 1-3 sao có 30 cơ sở, với 1.873 phòng; hạng 4-5 sao có 22 cơ sở, với 10.320 phòng. Lĩnh vực lữ hành phát triển khá, với 29 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 33 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 6 chi nhánh, văn phòng đại diện, đáp ứng cơ bản nhu cầu du khách quốc tế đến Kiên Giang và tổ chức đưa khách đi du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tỉnh thu hút 328 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đầu tư 358.134 tỷ đồng. Trong đó, có 72 dự án đã đi vào hoạt động với tổng quy mô 1.285 ha và tổng vốn đầu tư 16.344 tỷ đồng; 87 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích 4.294 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 180.334 tỷ đồng; 169 dự án đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với tổng quy mô 4.541 ha và tổng vốn đầu tư ước thực hiện 161.456 tỷ đồng. Du lịch làng nghề, nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kết nối các bên liên quan tạo thành mô hình chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp,... đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và kích thích thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch vẫn còn một số hạn chế: Việc quán triệt và cụ thể hóa thực hiện của một số địa phương còn chưa sát với điều kiện thực tế; chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và lợi thế vốn có; loại hình, sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch còn hạn chế, thiếu đồng bộ; đa số doanh nghiệp du lịch có quy mô còn nhỏ; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế…

Hướng tới, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch sát đúng với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch mới, khác biệt; huy động các nguồn vốn tập trung đầu tư hạ tầng du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản lý nhà nước và đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa, gắn với các hoạt động du lịch quốc tế; tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh thương hiệu du lịch Kiên Giang, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

(Quốc Giang - https://kiengiang.dcs.vn)